Được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900m2 ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, công trình này ban đầu có tên là biệt thự Hằng Nga, sau đổi thành "Crazy house" hay "Ngôi nhà kỳ dị". Nói "ngôi nhà" là chưa thật chính xác, vì đây là một quần thể kiến trúc lạ mắt.
Biệt thự Hằng Nga hay còn gọi là "Crazy house" (Ngôi nhà điên) - một công trình kiến trúc đặc biệt tại Đà Lạt - vừa được People's Daily bình chọn là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.
Với lối kiến trúc phá cách theo trường phái biểu hiện, tòa lâu đài trông tựa như những gốc cây hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã ẩn hiện trong rừng già. Những ô cửa sổ lồi lõm hình thù kỳ lạ, xếp đặt có vẻ thiếu "ngăn nắp" nhưng nhìn kỹ thì như những con mắt của thú rừng. Du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong biệt thự với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào. Tiếp tục vượt qua những bậc thang ngoằn ngoèo quấn quanh gốc cây, sẽ lần lượt khám phá những căn phòng ấm cúng với hình thù đặc trưng của thiên nhiên như hốc cây, thân tre, quả bầu, cọp, gấu, đại bàng, kangaroo, chim trĩ... Các căn phòng này được thiết kế gọn trong hai thân cây cổ thụ (bằng bê tông), tạo cảm giác như đang lạc vào khu rừng kỳ lạ và bí hiểm. Đêm về, nếu ngủ trong các căn phòng này, nhìn thẳng lên trần nhà có thể thỏa thích ngắm nhìn trăng sao... Một du khách nước ngoài ghi vào sổ lưu niệm: "Đây là tòa lâu đài độc đáo, khác thường và hoang tưởng nhất Việt Nam, nếu không nói là của vùng Đông Nam Á".
Công trình nổi tiếng của KTS Đặng Việt Nga đã không chỉ góp phần thu hút khách du lịch cho mảnh đất Đà Lạt mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với hiều du khách nước ngoài yêu sự kì lạ, quái dị.
Chủ nhân của công trình nổi tiếng Crazy House là một nhà kiến trúc sư nổi tiếng không kém bản thân công trình của mình: Tiến sĩ Đặng Việt Nga. Bằng ngôn ngữ của kiến trúc, bà muốn hướng con người tới sự hòa hợp và thân thiện với thiên nhiên.
Công trình ban đầu có tên là Biệt thư Hằng Nga này có khuôn viên rộng gần 1.600 m2 nằm tọa lạc ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, P.4, TP Đà Lạt. Trong suốt 20 năm qua, công trình không chỉ gợi lên sự tranh cãi trong giới kiến trúc mà còn có nhiều bước đi thăng trầm dưới công tác quản lý của chính quyền địa phương. Nhưng chừng ấy năm có những điều vẫn được làm đầy đặn lên theo thời gian, đó là sự đông đảo của khách thăm quan, đó là sự yêu thích của người du lịch, đó là tình yêu và sự nhiệt tình vô bờ của người chủ nhân quả cảm.
Toàn bộ kiến trúc Crazy House không tuân theo bất kì quy tắc của một trường phái kiến trúc nào mà hoàn toàn tự do theo cách bố trí nương theo tự nhiên của chủ nhân. Nếu phải gói gọn cảm nhận về công trình này trong số ít từ ngữ thì đó là: tự do, khoáng đạt, thơ mộng, hoang dại và kì dị. Công trình xuất phát từ quan điểm sống của chủ nhân hướng tới, hòa nhập vào thiên nhiên để con người gần gũi nhau, cần nhau hơn; xuất phát từ những khát vọng không trọn vẹn của người kiến trúc sư giàu tính sáng tạo sau những công trình như Cung Thiếu nhi Đà Lạt, khu nhà nghỉ Công đoàn, nhà thờ Liên Khương (Đức Trọng), trụ sở mới của Bộ VHTT... Và suốt hơn 20 năm kể từ ngày khởi công đến nay, công trình Crazy House vẫn tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng, bổ sung. Đó cũng là thời gian ghi dấu sự quả cảm, nghị lực phi thường của người phụ nữ cá tính Đặng Việt Nga; đánh dấu sự sáng tạo không ngừng nghỉ của một người kiến trúc sư tâm huyết, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Ngày nay, đến với Đà Lạt, dường như nếu chưa tới thăm quan Crazy House thì du khách vẫn còn chút luyến tiếc vì chưa biết hết về mảnh đất này. Crazy House giờ đã trở thành một khu lưu trú, nghỉ dương, thăm quan du lịch sinh thái hút khách nổi tiếng.
Nhìn từ bên ngoài, khu kiến trúc này như một con dã thú đang khoe hết xương cốt ra ngoài, trong các tư thế quằn quại, dữ dội. Các mảng kiến trúc gồ ghề, các mảng bê tông đen, vàng, những thanh gỗ đâm xiên, đâm dọc... tất cả tạo nên một cảm giác rùng rợn, kì bí. Bước chân vào Crazy house, bạn sẽ như lạc vào mê cung đầy bí hiểm. Và bạn sẽ rất nhanh chóng hiểu vì sao công trình này được bình chọn là 1 trong 10 công trình kì dị nhất thế giới. Các căn phòng trong khu nhà đều rất đặc biệt, không căn phòng nào giống căn phòng nào, nhưng tất cả đều lấy ý tưởng tù các loài động vật hoang dã, gợi đến một thế giới tự nhiên hoang dại và kì bí. Lối đi bên trong khu nhà là những đường xoắn vặn, cao thấp, dài ngắn khác nhau. Mọi góc cạnh của công trình đều được tạc lỗi lõm, thấp bé, bám theo địa hình tự nhiên khiến du khách luôn có cảm giác "ra đụng vào chạm" như quan niệm phồn thực trong kiến trúc nhà ở cổ. Những vật trang trí ở mỗi vị trí trong ngôi nhà lại được thiết kế khác nhau kích thích trí tưởng tượng của du khách một cách cao độ.
Sự hỗn độn, ngẫu hứng của mọi chi tiết của công trình này gợi cho du khách liên tưởng đến một giấc mơ kì bí, hỗn độn, điều đó kích thích trí tò mò và cảm hứng khám phá của mọi du khách đã một lần tới nơi đây. Để rồi, cảm giác và cảm nhận của mỗi du khách một lần bước chân tới đây lại là một điều đặc biệt của riêng mình, không ai giống ai nhưng ai cũng thấy mình biết thêm, cảm thêm một điều gì đó.
Còn tôi, ấn tượng vế Crazy House gắn với ấn tượng về người chủ nhân Đặng Việt Nga. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" trông bà trẻ trung, xinh đẹp đến kì lạ. Và nhất là lòng yêu đời, lạc quan và bầu nhiệt huyết dường như chẳng bao giờ vơi cạn trong bà. Bà nói với tôi rằng bà sẽ tiếp tục xây dựng Crazy House cho đến ngày cuối cùng có thể và những du khách như tôi sẽ luôn chờ đợi và cầu chúc cho bà.
Theo archi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét