Thành phố xám trong mưa trông rầu rĩ đến mức phút đầu tiên đến Edinburgh tôi tự nhủ: thành phố à, mi chẳng cần buồn thế đâu!
Biết tôi đi Scotland, ông anh tôi nói: "nhà xấu hoắc", còn sếp tôi thì bảo: "kiến trúc dễ thương đấy", khiến tôi bán tín bán nghi, chẳng biết về phe nào, đành đợi khi đến vậy. Và có vẻ như... xấu thật. Khối, cao lớn đồ sộ với năm, sáu tầng đá, kiến trúc Georgia trông nặng nề, gây sợ. Edinburgh Castle, viên ngọc lẫy lừng của Scotland, trông xa và lạnh, lại như mới vừa rơi nước mắt. Đâu rồi nắng mùa hè tươi tắn để những ngôi nhà thấp nhỏ rực lên, nắng cũng nhảy nhót trên những mảng cỏ xanh, xanh vô cùng tận, và bầu trời trong như chẳng có tận cùng như những đô thị miền Nam nước Anh mà tôi đã qua? Thành phố xám trong mưa trông rầu rĩ đến mức, phút Edinburgh đầu tiên tôi tự nhủ: thành phố à, mi chẳng cần buồn thế đâu.
Không khí trung cổ của khu Old Town | Khu New Town, cùng với Old Town được công nhận là Di sản thế giới năm 1995 |
Tiếng kèn túi rộn ràng kéo tôi băng qua một con hẻm để từ Princes St. sang một đám diễu hành trên Royal Mile, và từ đó những ngày còn lại tôi lạc trong hai khu Phố Cũ và Phố Mới (Old Town và New Town). Phần lớn thời gian ở Edinburgh tôi lần tìm những ngõ hẻm (closes). Rất nhiều con hẻm tối đen, heo hút, không có trong bản đồ du lịch, tôi chỉ biết được nhờ đi theo bước chân nhanh nhẹn của dân địa phương. Cái vắng vẻ, rờn rợn ấy vừa khiến tôi sợ hãi, lại hấp dẫn đến huyền hoặc. Ngõ hẹp để nối những ngôi nhà to. Đèn vàng để ấm lòng khách phiêu bạt đang xám người vì lạnh.
Đó cũng là không khí của kirk (nhà thờ). Tôi không muốn nói nhiều về những nhà thờ Gothic cao vút, mờ ảo có rất nhiều ở Scotland. Chỉ muốn nói về kirk với những khu mai táng bao quanh, về những hầm mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm ở Edinburgh. Vẫn còn đó vài quan tài cổ trên đỉnh Arthur Seat. Tượng đài của văn sĩ, nhà thơ, bia kỷ niệm những người lính đường hoàng chiếm vị trí đẹp trên những con phố chính. Len lỏi khắp nơi trong Phố Cổ những nấm mồ đơn sơ của những người dân bình thường, như thể đó là một điều rất bình thường.
Tương tự nước Anh, Scotland còn giữ lại nhiều vòng tròn đá từ ngàn xưa. Nhưng cái không gian xám xịt, rữa nát của vùng đất này khiến đài tưởng niệm ở Scotland mang dư vị khác cái thoáng đãng của Stonehenge. Sống giữa người chết ư? Chưa hẳn chính xác, cũng như tôi không biết rõ Mary Shelley đã dần thai nghén cho nhân vật Frankenstein từ những năm tháng sống ở Scotland hay không, nhưng Edinburgh nghiễm nhiên hiển thị vài góc phố xám buồn trong thế giới phù thủy của J. K. Rowling, những ngày đầu tiên.
Nhà trên đồi |
Trân trọng quá khứ không đồng nghĩa với bi quan và buồn thảm. Thành phố màu xám làm nền cho những bộ kilt ca rô sặc sỡ. Mặc cho cả thế giới gọi đó là váy, thứ trang phục dành cho phụ nữ, mặc cho khách nước ngoài lầm tưởng bộ quần áo ấy chỉ dành cho lễ hội và những nhân viên trong cửa hàng và khách sạn, đàn ông Scotland vẫn mặc kilt với vẻ trân trọng, nâng niu. Cha và con trai mặc kilt bước vào nhà thờ, và những vị dân biểu quý phái mặc kilt bước ra từ tòa nhà Quốc hội. Con người tự vẽ màu cho cuộc sống của mình. Bộ trang phục nhỏ cho niềm kiêu hãnh lớn, nét "cứng đầu" đáng yêu của Scotland.
Âm nhạc cũng khiến tôi bất ngờ. Nếu như người xứ láng giềng Ireland rất cá tính, thậm chí hơi tưng tửng song âm nhạc Ireland lại man mác buồn, thì cũng là kèn túi và phong cầm như thế, âm điệu Scotland lại rất rộn rã vui tươi. Phải chăng mưa, gió, và tuyết đã tạo nên một dân tộc Scotland khác biệt. Họ không vô tư, bất cần như người Ireland, cũng không lịch sự xa cách như người Anh. Họ lo xa, cẩn trọng, với những ngôi nhà kiên cố, vững chắc, những khu đô thị quy hoạch chỉn chu tươm tất. Không phải tình cờ khi Edinburgh là trung tâm tài chính lớn của châu Âu, và Thủ tướng mới của Vương quốc Liên hiệp Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính, là người Scotland.
Chút Athens trên đồi Calton |
Hoài niệm cho quá khứ, chu đáo cho hiện tại và chắc chắn cho tương lai. Nhớ mãi những người bạn Edinburgh nồng ấm đã kiên nhẫn giải thích và giúp tôi đi lạc sâu hơn trong những con đường chứa hồn Edinburgh. Thứ tình cảm khiến ta biết ơn thật nhiều nhưng chẳng cần cảm tạ. Chỉ mỉm cười và giơ tay chạm vào những sắc màu thấm đẫm của thành phố màu xám, để dần dần ngấm, rồi từ từ say...
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Ngọc
(KTNĐ số 10-2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét